BI HàI CHUYệN CHO CON HọC LớP TIềN TIểU HọC

Từng đăng ký cho con học lớp tiền tiểu học với hy vọng khi vào lớp 1, con có thể theo kịp bạn bè, nhiều bậc phụ huynh đã có những trải nghiệm “dở khóc dở cười”.

Trải nghiệm "dở khóc dở cười"

Khi nhắc về việc học tập của con gái, chị Phạm Thu Hoài (quận Ba Đình, TP Hà Nội) bật cười và nói rằng, chị đã từng có trải nghiệm “khó tả”.

Thời điểm đó, nghe nhiều mẹ đi trước chia sẻ kinh nghiệm, nếu khi vào lớp 1 con chưa biết đọc, biết viết, sẽ khó theo kịp bạn bè, chị Hoài đã sốt sắng cho con học thêm lớp "tiền tiểu học" tại một cô giáo gần nhà.

Kết thúc khóa học 20 buổi, con đã thạo đánh vần, viết so với bạn bè cùng trang lứa. Chưa kịp vui mừng, chị Hoài tá hỏa khi nhận ra, các thầy cô không chú ý đến việc con bị ngọng và ngồi không đúng tư thế khi học bài do những bộ bàn ghế ở lớp được thiết kế không đúng với quy chuẩn dành cho học sinh tiểu học.

“Khi lên lớp 1, thầy cô phản ánh, rất vất vả điều chỉnh tư thế ngồi của con, đặc biệt là sửa cho phần phát âm ngọng âm "l" và "n". Thành thử, việc học của con chật vật hơn rất nhiều” - chị Hoài nói.

Chị Lưu Thảo Trang (Đống Đa, Hà Nội) - phụ huynh từng cho con học tiền tiểu học - cũng đánh giá, việc này gần như không cần thiết.

"Thời gian đầu mới vào lớp 1, một vài buổi đầu, con tỏ ra rất tự tin vì những gì cô dạy con đã biết hết, làm thành thạo, nhanh nhất lớp. Nhưng chỉ vài ngày sau, con bắt đầu chán học, vì cứ phải học đi, học lại những điều đã biết" - chị Trang nói và chia sẻ thêm, chị từng cho con học lớp tiền tiểu học vì nghe các mẹ đi trước "dọa" nếu không cho con đi học trước sẽ không theo được vì "chương trình mới rất khó, đặc biệt là môn Tiếng Việt".

Không riêng chị Hoài hay chị Trang, nhu cầu của phụ huynh lớn đến mức, chỉ cần một từ khóa "lớp tiền tiểu học" trên mạng xã hội hay các nền tảng khác, đã xuất hiện hàng loạt các bài quảng cáo, tuyển sinh của các cô giáo tiểu học.

Thông thường, một khóa tiền tiểu học kéo dài trong khoảng 30 - 40 buổi, giá một buổi học dao động từ 80.000 - 100.000 đồng. Ngoài ra, giáo viên còn mở các lớp học riêng biệt về luyện chữ, Toán, Tiếng Anh... với học phí tương đương.

Trẻ cần trang bị kỹ năng khi chuẩn bị vào lớp 1

Cô Nguyễn Thị Hồng Liên - Thạc sĩ giáo dục, hiện đang công tác tại Hệ thống Trường Xanh Tuệ Đức - khuyên phụ huynh không nên cho con học trước chương trình trước khi vào lớp 1, bởi khi đó con sẽ mang tâm lý chủ quan, không lắng nghe thầy cô trên lớp giảng dạy và cảm thấy không còn hứng thú với việc học.

“Điều này dẫn đến việc lên lớp 2, 3... có những nội dung kiến thức khó hơn, đòi hỏi học sinh phải tập trung cao độ mới hiểu, những bạn này sẽ khó tập trung, làm tốt các nhiệm vụ" - cô Liên nói.

Với 20 năm công tác trong ngành giáo dục, cô Liên khẳng định, điều quan trọng nhất không phải cho trẻ học trước chương trình khi vào lớp 1, mà rèn cho các em kỹ năng khi vào lớp 1. Theo đó, có 3 kỹ năng cha mẹ cần đảm bảo kết thúc bậc mầm non con đã nắm vững.

Kỹ năng đầu tiên, trẻ cần biết kỹ năng tự chăm sóc bản thân (tự đi vệ sinh, biết đâu là khu vực nhạy cảm trên cơ thể và bảo vệ…; biết tự ăn uống, đặc biệt là ăn rau xanh; biết cách nhờ sự hỗ trợ với những việc các em không thể làm. Thứ hai, là trẻ cần có kỹ năng lắng nghe, diễn đạt, phối hợp với người khác.

“Để giúp con rèn luyện các kỹ năng này, bố mẹ có thể thông qua kể chuyện, các câu đố, các dạng trò chơi, nhiệm vụ… cùng con tại nhà” - cô Liên gợi ý.

Kỹ năng cuối cùng trẻ cần thành thạo trước khi bước vào lớp 1 - theo cô Liên, là việc con có thể ngồi tĩnh, ngồi bàn học trong khoảng thời gian 35 - 40 phút - đây là thời gian tương ứng với mỗi tiết học trên lớp của học sinh bậc tiểu học.

“Ngồi bàn không phải là để học, để con quen, có thể tô màu, vẽ các nét ngang dọc... Với những trẻ mầm non chưa được rèn kỹ năng ngồi bàn, lên bậc tiểu học, phải ngồi học tập trung trong khoảng thời gian 30 - 45 phút là điều cực kỳ khó khăn đối với các con” - cô Liên nhấn mạnh.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-08T03:33:34Z dg43tfdfdgfd