GóC KHUấT NGHề THẩM Mỹ CHO NGườI đã KHUấT

25 năm làm việc tại nhà xác, Zha Qingguo luôn nhắc về những định kiến xã hội tồn tại đối với nghề nghiệp của mình.

Công việc kỹ thuật viên nhà xác của Zha không dành cho người yếu tim. Hơn 25 năm làm việc tại nhà tang lễ Yisshan ở Thượng Hải, anh là một trong những người có tay nghề cao chuyên ướp xác và tạo hình thẩm mỹ cho các thi thể trước khi mai táng.

Xuất sắc ở nơi làm việc, đạt vô số giải thưởng khu vực và quốc gia nhưng trong cuộc sống Zha luôn phải chịu đựng sự kỳ thị của một bộ phận xã hội bởi làm công việc liên quan đến người đã khuất.

"Tôi không đi chơi hay giao lưu rộng bởi nhiều người coi công việc này là điều đen đủi", người đàn ông 52 tuổi nói. Anh cũng cho biết một số đồng nghiệp không muốn nhắc đến công việc ngoài giờ làm hay tiết lộ nghề nghiệp với người khác, thậm chí là bạn bè. Họ đa phần không nhận được thiệp mời đám cưới. Mỗi dịp Tết Nguyên đán những nhân viên này không đi chúc Tết bởi quan niệm "tránh những người và vật không tốt vì sợ mang vận rủi cho gia đình". Ngay cả khi chào mọi người từ xa, nhiều người vẫn cố lảng tránh Zha.

Chính sự phân biệt đối xử cùng tính chất công việc đặc thù khiến nhiều năm qua, các nhà tang lễ gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nhân viên trẻ.

Zha từng dạy nghề cho nhiều học viên nhưng không phải ai cũng có thể bám trụ. Anh kể về một thanh niên mỗi lần chạm vào tử thi đều nhảy lên như điện giật, mặt tái mét. Liên tục gặp ác mộng và sợ hãi, người này đã xin nghỉ việc sau một tuần thử việc. Hay nữ sinh viên đại học khá điềm tĩnh và bạo dạn, nhưng cuối cùng cô cũng nghỉ việc vì người yêu không thích công việc này.

Công việc của Zha đến rất tình cờ. Năm 1993 anh chuyển từ Trùng Khánh đến Thượng Hải và bắt đầu tìm việc nhưng thời gian làm không kéo dài. Cuối cùng, sau 5 năm, ở tuổi 27, Zha làm việc toàn thời gian tại một cửa hàng hoa trong nhà tang lễ.

Trong ký ức của anh, các kỹ thuật viên nhà xác làm việc rất chăm chỉ và có khả năng xử lý các yêu cầu của gia quyến trong điều kiện khắc nghiệt. Từ đó, anh xin chuyển từ cửa hàng hoa đến bộ phận thẩm mỹ của nhà tang lễ. Thời gian đầu Zha đảm nhận việc xử lý và vận chuyển thi thể.

"Tôi không phải người yếu bóng vía nhưng tiếp xúc với các thi thể lạnh lẽo khiến bản thân bất an, đặc biệt là những thi thể đang trong tình trạng phân hủy nặng", Zha nói. Nhưng sau ba tháng, anh đã quen việc và quyết định gắn bó lâu dài.

Năm 2003, anh không đủ điều kiện tham gia kỳ thi chuyên môn dành cho các kỹ thuật viên ướp xác do không có hộ khẩu ở Thượng Hải. Không thất vọng, anh bắt đầu tìm tài liệu để tự học và chuẩn bị cho cơ hội tiếp theo.

Suốt thời gian này, Zha học giải phẫu cơ bản, đi sâu vào giải phẫu chuyên sâu, bệnh lý và ướp xác. Đồng thời, anh liên tục đọc các cuốn sách về tang lễ, y học, kỹ thuật phác họa, điêu khắc và thẩm mỹ để phục vụ cho công việc.

Hai năm sau, Zha đã trúng tuyển với thành tích xuất sắc trong kỳ thi lấy chứng chỉ chuyên môn ở Thượng Hải được mở cho người không có hộ khẩu.

"Thực tế công việc này liên quan nhiều đến kiến thức pháp y, vì vậy chúng tôi không ngừng mở rộng kiến thức và nâng cao tay nghề của mình", Zha nói.

Ngoài đối diện với sự kỳ thị của xã hội, công việc hàng ngày của một kỹ thuật viên nhà xác rất khó khăn.

Năm 2004, hai học sinh vừa tốt nghiệp trung học bị chết đuối khi tắm sông. Khi được tìm thấy, cơ thể họ đã trương phồng, không thể nhận dạng. Gia quyến đã cầu xin các nhân viên nhà xác khôi phục lại vẻ ngoài như trước đây.

Zha giải thích, những thi thể trong tình trạng trên được gọi là "xác chết khổng lồ". Một số kỹ thuật viên đã nhốt mình suốt nửa tháng để nghiên cứu giải pháp bởi trường hợp này khá phức tạp. Tuy nhiên với việc kiên trì nghiên cứu phương pháp làm lạnh ở nhiệt độ thấp, tử thi cuối cùng đã trở lại hình dáng ban đầu.

Hay một trường hợp phải tái tạo khuôn mặt của phụ nữ thiệt mạng trong một vụ tai nạn. Zha cho biết hộp sọ và xương mặt của cô ấy bị vỡ vụn, không thể nhận dạng nhưng gia đình lại tha thiết nhờ các kỹ thuật viên của nhà tang lễ khôi phục diện mạo cho người đã khuất.

Để thực hiện nhóm Zha phải nghiên cứu cấu trúc hộp sọ, cố gắng tận dụng các mảng xương còn lại và sử dụng thạch cao lấp vào chỗ khuyết. Sau hai ngày tái tạo khuôn, họ tiếp tục ghép da và khâu cố định.

Zha nói việc phục hồi cơ thể luôn đầy thách thức, đòi hỏi các kỹ thuật viên phải làm việc suốt đêm, gần như kiệt sức. Nhưng có thể an ủi các gia đình, giúp người đã khuất có diện mạo hoàn chỉnh nhất trước khi được viếng thăm nhằm, càng khiến họ tiếp tục cố gắng.

Hiện Zha quản lý một nhóm gồm sáu kỹ thuật viên tại Nhà tang lễ Yishan, bốn người trong số họ ở độ tuổi từ 35 đến 45.

Với những đóng góp của mình, năm 2023, Zha nhận được Huân chương Lao động Quốc gia 1/5 do cơ quan chức năng trao tặng. Liên đoàn Công đoàn Trung Quốc cũng vinh danh anh là Thợ thủ công Thượng Hải.

Minh Phương (Theo Sixth Tone)

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-07T04:50:43Z dg43tfdfdgfd